Sáng ngày 13/05/2024, Phòng Kiểm soát nội bộ và Quản trị rủi ro CC1 phối hợp với đơn vị KPMG tổ chức buổi chia sẻ với chủ đề “Ba trụ cột của sự bền vững: Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) trong ngành Xây dựng tại Trụ sở Tổng Công ty.
Tham dự buổi chia sẻ, về phía KPMG có sự hiện diện của ông Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc Dịch vụ tư vấn ESG, Bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn ESG và ông Lê Quang Hải – Cố vấn cấp cao Dịch vụ Tư vấn Quản trị và Rủi ro. Về phía CC1, có sự hiện diện của ông Lê Bảo Anh – Tổng Giám đốc cùng các thành viên Ban Lãnh đạo và các đại diện Phòng/Ban liên quan.
KPMG được biết đến là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1994, hoạt động tại 143 quốc gia, chuyên cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, cơ quan khu vực công, tổ chức phi lợi nhuận và thị trường vốn thông qua hoạt động kiểm toán và kiểm định của các công ty thành viên.
Theo chia sẻ, ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.
Trình bày tại buổi chia sẻ, ông Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc dịch vụ tư vấn ESG của tổ chức KPMG cho biết, theo nhiều báo cáo, môi trường xây dựng tạo ra 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tiêu hao 32% tài nguyên thiên nhiên thế giới. Ngành Xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Do đó, các doanh nghiệp Xây dựng cần cân nhắc kỹ hơn về tiêu chuẩn ESG. Ngoài các yếu tố về môi trường, các tiêu chí ESG còn đòi hỏi chính sách toàn diện ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của hoạt động xây dựng, từ quản lý chuỗi cung ứng và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu đến chiến lược mua sắm và tiêu chuẩn lao động.
Được biết, các chỉ số về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang định hình sự phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Đối với ngành Xây dựng, các vấn đề về môi trường mà nhà đầu tư và các tổ chức khác quan tâm bao gồm: Phát thải nhà kính, khai thác khoáng sản, hiệu quả sử dụng tài nguyên, quản lý tài nguyên, tái chế,…Về vấn đề xã hội, sự quan tâm tập trung vào các yếu tố: Đa dạng và hòa nhập xã hội, sức khỏe tốt và phúc lợi, giáo dục và kỹ năng hay kế hoạch di sản,…Về vấn đề quản trị, các nhà đầu tư và các tổ chức khác quan tâm đến chiến lược, chính sách quản lý chuỗi cung ứng, hiến pháp của các cơ quan quản lý hay sự đa dạng, bình đẳng và đạo đức trong các công tác đấu thầu.
Chủ đề “Ba trụ cột của sự bền vững: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong ngành Xây dựng” không chỉ giúp đội ngũ lĩnh hội thêm nhiều kiến thức mà còn thu hút sự chia sẻ, tham gia thảo luận của các thành viên CC1.
Việc áp dụng ESG trong lĩnh vực Xây dựng đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: tạo nên lợi thế cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc; thu hút nhà đầu tư và các nguồn đầu tư bền vững; cải thiện hiệu suất tài chính và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ cũng như đảm bảo hoạt động bền vững sự cung cấp dịch vụ đa dạng.
Chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn “có thể làm hoặc không” mà đang dần trở thành điều kiện bắt buộc cho các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập. Nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng ESG trong công tác quản trị và vận hành hệ thống, Ban Lãnh đạo CC1 đã sẵn sàng đón nhận sự đổi mới, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị doanh nghiệp,.. để từ đó dẫn đến hành động thay đổi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như năng lực quản trị,…Việc tạo ra một văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ ESG từ bên trong sẽ giúp CC1 gia tăng sức chống chịu trước nhiều biến động của thị trường trong tương lai.